image
DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM HIV TỪ MẸ SANG CON
Lượt xem: 213

Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với chủ đề: “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Tăng cường truyền thông tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (diễn ra từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2024).

anh tin bai

Bệnh HIV/AIDS lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây nhiễm HIV/AIDS, với nguy cơ lây từ mẹ sang con là 25 – 40%. Tuy nhiên nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con là rất thấp, thậm chí là 0%. Do vậy dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ  người mẹ đã nhiễm.

Virus HIV có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh qua 3 con đường: Lây qua nhau thai trong quá trình mang thai; Lây qua nước ối, dịch âm đạo hoặc máu mẹ dính vào niêm mạc hoặc vết thương hở của trẻ; Lây qua sữa mẹ.

Vì vậy, tất cả phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như sau:

Trước khi mang thai: Người mẹ chưa nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, đồng thời nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi có ý định mang thai.

Trong khi mang thai: Cần nghe tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh; về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ, kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này. Thực hiện khám thai định kỳ ở cơ sở y tế chuyên khoa sản để được tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc thai sản, chọn nơi sinh phù hợp. Người mẹ đang nhiễm HIV cần phải tuân thủ điều trị để giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền HIV cho con.

Khi sinh: Đối với những người mẹ đã nhiễm HIV, HIV có thể từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào cơ thể trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da bị sây sát của trẻ trong quá trình sinh. HIV cũng có thể từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục của mẹ xâm nhập vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Vì vậy những người mẹ nhiễm HIV thường được tư vấn sinh mổ để hạn chế sây xát da em bé, giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV.

Sau khi sinh: Người mẹ nhiễm HIV cần đến cở sở điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị ARV. Trẻ em ngay sau sinh (trong vòng 24 giờ) được uống thuốc ARV theo chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. HIV có thể lây từ mẹ sang con do HIV có trong sữa mẹ hoặc máu, dịch tiết từ các vết nứt ở núm vú người mẹ, vì vậy tốt nhất không cho trẻ bú mẹ. Khi trẻ được 4-6 tuần tuổi, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn cho người mẹ có phương pháp chăm sóc thích hợp và thời điểm xét nghiệm lại.

Nói tóm lại, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với tất cả các sản phụ ngay từ lần khám thai đầu tiên, khi chưa rõ là có nhiễm HIV hay không. Đối với người phát hiện có nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng virus đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ, quá trình chuyển dạ và nuôi con sau đó, phối hợp thêm các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng lây truyền ở mức thấp nhất, cho con có một cuộc sống bình đẳng như những đứa trẻ đồng trang lứa.